Trịnh Công Sơn – Thư Tình Gửi Một Người
Tác giả: Trịnh Công Sơn
Tập Thư tình gửi một người được ra mắt tháng 4/2011 nhân dịp kỷ niệm mười năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời và liên tục được tái bản từ đó đến nay, gồm những bức thư mà Trịnh Công Sơn gửi cho người tình bé nhỏ Ngô Vũ Dao Ánh. Ở xứ sở này, nhạc Trịnh có một chỗ đứng riêng trong đông đảo những ai đã trót yêu mến, tách biệt hẳn với biết bao bài hát nổi lên rồi lại mất hút giữa thời buổi showbiz rộn ràng hiện nay. Hơn 15 năm kể từ ngày Trịnh mất, vẫn những đêm nhạc kỷ niệm đều đặn, vẫn những dòng người đến tưởng niệm tại số nhà 47C đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch – HCM) rồi cùng nhau hát ca nơi mộ ông. Nói vậy để thấy, Trịnh Công Sơn đã nhận được xiết bao sự ái mộ, và để hiểu tại sao tập sách này trở thành một hiện tượng trong cộng đồng người yêu mến Trịnh.
Đây là một tập thư tình do vậy hơn hết, mọi cung bậc tình yêu được vẽ ra hết sức sắc nét và sống động. Từ những trao đổi ban đầu để rồi tâm đầu ý hợp, bao nhớ nhung hờn giận khi chia xa, những lo âu, băn khoăn và vị kỷ … Hơn 300 bức thư chỉ từ chiều đi của Trịnh Công Sơn, nhân vật Dao Ánh tuy không lộ diện trực tiếp nhưng qua những mô tả của kẻ si tình, cũng hiện lên rõ nét và thơ mộng, về cả hình ảnh lẫn tâm hồn. Vẻ đẹp đó đâu chỉ là xúc động riêng anh chàng nhạc sĩ họ Trịnh, mà độc giả cũng thấy là xứng đáng lắm! Người con gái ấy có dáng vẻ thướt tha, cùng “tâm hồn giấy mới”, hàng đêm lén đốt bạch lạp lên viết thư cho người yêu phương xa, vừa dịu dàng lãng mạn, mà cũng biết uống rượu Tây và hút thuốc – vô cùng cá tính! Hình ảnh Dao Ánh gợi lên cả một không gian Huế, Sài Gòn xưa đầy hoài niệm. Đọc thư tình Trịnh Công Sơn, bỗng chợt người đọc nhớ lại, hoặc trở nên tha thiết muốn sống trong thời kỳ mà những tâm tình được nâng niu gửi trao qua từng nét chữ, sự lãng mạn lên ngôi, tình yêu đôi lứa trở thành thần thoại của mỗi cuộc đời.
Hơn 300 bức thư tập trung chủ yếu vào giai đoạn 1964-1966, là thời kỳ yêu đương nồng thắm và đầy cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh. Vậy mà, những lá thư cuối, tuy thưa thớt, rải rác từ những năm 1980 cho đến khi nhạc sĩ mất năm 2001, lại gây xúc động mạnh mẽ nhất. Tình yêu tuổi trẻ đã đẹp và đã dang dở … Âu đó cũng là chuyện thường. Nếu khép lại ở đó thì Thư tình gửi một người cũng chẳng khác nào một cuốn ngôn tình của thế hệ cũ. Sự day dứt, vấn vương và những nâng niu trân trọng mà Trịnh Công Sơn và Dao Ánh vẫn dành cho nhau đến cuối cuộc đời đã nâng tình yêu lên một tầm cao mới. Phải chăng, thời gian chính là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất và chung thủy – hiểu theo nghĩa sự lâu bền của cảm xúc- mới là mức độ lãng mạn cao nhất trong tình yêu? Hai mươi năm sau, họ vẫn dịu dàng tâm sự với nhau một cách trân trọng, đúng mực. Dao Ánh vẫn là nàng thơ tiếp tục khơi mào cho các tác phẩm âm nhạc và hội họa của ông. “Hai mươi năm em trả lại rồi/Trả nợ một đời xa vắng vòng tay /Hai mươi năm vơi cạn lại đầy/ Trả nợ một thời môi vắng vòng môi”. Dịu dàng khi yêu, khi ở đoạn cuối cuộc tình và ngay cả nhiều năm sau chia tay, bao nhiêu người đàn ông, bất kể thời xưa hay thời nay, làm được như vậy với tình nhân. Dễ hiểu rằng vì lẽ đó, người yêu đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn cũng nhiều, “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, nhưng ai ai đều nâng niu trân trọng khi nhắc về ông.
Có thể nói qua tập sách người đọc sẽ hiểu hơn con người và hoàn cảnh ra đời của những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là sự chuyển hóa trong nhận thức của nhạc sĩ
Đánh giá
There are no reviews yet