Trên Ngọn Tình Sầu
Với thơ tiếng Việt, Du Tử Lê là một tên tuổi, một thương hiệu được bảo chứng và được yêu mến rộng rãi. Điều này có thể do thơ ông có nhiều bài được phổ nhạc thành công. Âm nhạc đã góp một phần bảo toàn thơ Du Tử Lê trong vùng ký ức nhiều thế hệ. Nhưng nếu không có đôi cánh của âm nhạc thì sao?
Không có đôi cánh của âm nhạc thì thơ Du Tử Lê vẫn bay trên những đường chân trời, bay trên những vực tình và bay trên những năm tháng đời người.
Đấy gần như là điều chắc chắn. Bởi Du Tử Lê là một-người-thơ, một giọng tình thăm thẳm nhưng khuất lặng, hay một người viết ngụ ngôn tình nơi biển đời vang động.
Thơ Du Tử Lê là sự kết hợp giữa tính tự sự và chất trữ tình. Nói một cách nào đó, thơ Du Tử Lê là một giọng tình bay trên những đỉnh sầu của đời người.
“…tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên.”
– Trên ngọn tình sầu
Đôi nét về tác giả Du Tử Lê: Tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam. Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài Bến tâm hồn, đăng trên tạp chí Mai. Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972. Sau năm 1975, ông di cư sang Mỹ và tiếp tục đạt được một số thành công trong lĩnh vực thơ văn, được phỏng vấn và có thơ đăng lên trên các tờ báo lớn của Hoa Kỳ.
Đánh giá
There are no reviews yet