Hành Trình Thức Tỉnh
Tác giả: Tạ Minh Tuấn
Hành Trình Thức Tỉnh
Hành trình thức tỉnh ghi lại những giác ngộ của tác giả Tạ Minh Tuấn trong hành trình đi tìm lẽ thực, những trăn trở trong tâm thức của anh về con người, bản thể, sự sống và chết, vũ trụ… được mô tả qua cuộc đối thoại giữa hai nhân vật Thành Toàn và Bờm. Thành Toàn có thể là bản thân tác giả, là những thắc mắc, trăn trở của anh hoặc cũng có thể là đại diện cho rất nhiều người đang trên con đường đi tìm lẽ sống đích thực.
Đối diện với thăng trầm của cuộc đời, trải qua cả thất bại lẫn danh vọng trong sự nghiệp và các mối quan hệ, nhưng Thành Toàn vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm trăn trở, rằng giữa hết thảy những điều ấy, đâu mới là hạnh phúc đích thực NULL Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại là suy tư lớn nhất trong cuộc đời mỗi người. Phải chăng, khi càng kiếm tìm hạnh phúc bên ngoài thế gian, ta lại càng nhận ra những điều ấy không bao giờ là đủ?
Lật từng trang sách, mỗi cuộc đối thoại giữa Thành Toàn và Bờm sẽ dần hé mở cho người đọc câu trả lời cho từng nan đề của cuộc sống, cùng với hướng dẫn thực hành chi tiết cuối mỗi phần. Chúng ta trong một khoảnh khắc nào đó, sẽ thấy mình thật yên, thật lắng lại để trở về với chính mình, trở về với bản thể tinh khiết nhất của mỗi người.
Trích đoạn:
Trong cuộc đời, mỗi khi thấy mệt mỏi, buồn bã, hay vấp ngã.
Bạn hãy nhìn lên bầu trời xanh kia.
Bầu trời vẫn xanh.
Và hãy mỉm cười…
Cái Chết có thể là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Nó không đáng sợ như ta tưởng. Nhưng chính Cách Sống quyết định cách ta trải nghiệm Cái Chết. Nếu làm đúng, thì ta hoàn toàn có thể “tận hưởng” Cái Chết, hoặc, “tận hưởng” Cái Chết của người thân yêu. Khi đó, ta hoàn toàn giác ngộ được Cái Chết chỉ là một “dấu chấm… phẩy”.
Tôi thấy mình như một dòng chảy, chảy từ kiếp này sang kiếp khác. Có thể xem như dòng chảy tâm thức. Hãy hình dung về biển cả, sóng đánh từ lớp này đến lớp khác. Khi một con sóng nhô lên, một kiếp sống bắt đầu, con sóng đó hạ xuống và tan vỡ đi, kiếp sống đó kết thúc, rồi con sóng tiếp theo lại nhô lên, đó là kiếp sống tiếp theo. Nhưng, cho dù bao nhiêu con sóng, thì bản chất của chúng đều là nước biển, nó vẫn như vậy.
Tôi thấy mình như ngọn lửa bất diệt. Khi ta đốt củi, lửa nổi lên, khi hết củi, lửa tàn. Ta nghĩ lửa biến mất. Thật ra, chỉ có củi “chết” đi, lửa không bao giờ “chết”. Lửa chỉ có một. Củi này hết, ta không nhìn thấy lửa, nhưng lửa không hề “chết”. Ở một nơi khác, có củi, lửa lại được thắp lên, ta lại nhìn thấy lửa. Ta cứ nghĩ lửa ở nhiều nơi là những ngọn lửa khác nhau, thật ra chúng đều là một, đều là lửa thôi mà. Tôi là ngọn lửa đó. Lửa chỉ có một. Cũng giống như tôi, từ Một mà ra. Củi là cơ thể tôi, lửa mới thật sự là chính tôi.
Cuộc sống này thật ý nghĩa. Càng hiểu về cuộc sống, và sự sống bất diệt sau cái chết, anh càng thêm hiểu về vô thường. Vô thường là không có gì mãi mãi, tất cả đều thay đổi. Vô thường đúng ở thế giới vật lý này, khi tất cả có sinh rồi phải có diệt. Vì thế, đau khổ vì một thứ sinh ra chỉ để diệt đi – điều đó thật vô nghĩa, và cũng thật không hề vô nghĩa. Hiểu về vô thường, vô ngã giúp anh hiểu về đau khổ, và chuyển hóa khổ đau. Không có gì tồn tại mãi, tất cả đều vô thường, nhưng không phải vì tất cả đều vô thường, mà ta không còn có động lực để làm gì cả, vì có làm rồi cũng mất, có gây dựng rồi cũng bị phá huỷ, để rồi sinh ra chán chường, thờ ơ với cuộc sống. Thật ra, càng hiểu về vô thường, càng thấy cần trân quý hiện tại và sống hết mình cho hiện tại. Vì không gì là mãi mãi, nên càng phải trân trọng phút giây này. Trân trọng mà không dính mắc.
Đánh giá
There are no reviews yet