Ba Đồng Ghi-Nê
Tác giả: Virginia Woolf
“Ba đồng ghi-nê” (nguyên tác: Three guineas) là tập tiểu luận nổi tiếng của nữ nhà văn, nhà phê bình văn học người Anh Virginia Woolf (1882- 1941).
Bà khởi thảo tác phẩm này vào vào khoảng năm 1932 và được NXB Harcourt, Brace and Co. xuất bản năm 1938. Tập sách này vừa được NXB Hồng Đức ấn hành qua bản dịch của Nguyễn Thành Nhân.
“Ghi-nê” là một đơn vị tiền tệ ảo biểu trưng cho tầng lớp thượng lưu chứ không hề thật sự tồn tại. Một ghi-nê tương đương với 21 shilling và thường được áp dụng cho các giao dịch trong tầng lớp thượng lưu Anh.
Toàn tập tiểu luận được cấu trúc như là một lá thư phúc đáp cho một quý ông trí thức (không nêu tên). Ông ta đã gửi một lá thư yêu cầu Virginia Woolf tham gia vào những nỗ lực của hiệp hội của mình nhằm ngăn chận chiến tranh sắp sửa bùng nổ do sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và Đức Quốc Xã.
Để đáp ứng lại yêu cầu đó, Virginia lần lượt đưa ra những luận điểm với giọng văn hơi ngoa dụ, dí dỏm, đậm chất châm biếm, nhưng vô cùng lô gích trong lập luận. Bà xoáy sâu vào từng vấn đề, phân tích chúng dựa trên ba nguồn chứng cứ: lịch sử, tiểu sử cá nhân và báo chí (mà bà gọi là lịch sử ở dạng thô sơ) để đáp lại ba câu hỏi: Từ một hội phản chiến của các quý ông: “Làm cách nào để ngăn chận chiến tranh?”; Từ một quỹ tái thiết trường cao đẳng cho phụ nữ: “Vì sao chính phủ không hỗ trợ cho công tác giáo dục phụ nữ?”; Từ một hội cổ động cho việc nâng cao trình độ chuyên môn của phụ nữ: “Vì sao phụ nữ không được tham gia làm việc ở những ngành nghề chuyên môn?”
Ba đồng ghi-nê được phân thành ba chương, mỗi chương giải quyết một vấn đề như đã nêu trên. Trong tập tiểu luận này, hầu như từng luận đề và luận điểm, chứng cứ đều đan xen với nhau chặt chẽ để đến cuối mỗi một chương tác giả đưa ra một kết luận cho câu hỏi đặt ra.
Hiện nay, Virginia Woolf được đánh giá là một trong các tác giả lớn của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sử văn chương Anh ngữ với tư cách một người bênh vực nữ quyền và là một trong những người sáng lập nên trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại với nhiều nhân vật lẫy lừng khác.
Đánh giá
There are no reviews yet