Bến Xe
Tác giả: Thương Thái Vi
Bến Xe
Vượt xa những định kiến ban đầu của bản thân về truyện ngôn tình, tôi đã được Thương Thái Vi (nhà văn Trung Quốc), từ khai sáng đến khắc cốt ghi tâm những bài học về tình yêu thương, đức hy sinh cao thượng và lòng vị tha cho thứ mà người đời vẫn hay gọi là ‘miệng lưỡi thế gian’ thông qua tiểu thuyết ngôn tình mang tên “Bến xe”.
Chấp nhận sự cô độc, buông tay ánh sáng của cuộc đời mình chỉ vì tương lai của người mình yêu, đếm trên đời này mấy ai có thể làm được? Thấy người đó bị sỉ nhục, bị bôi nhọ liền hy sinh chính bản thân chỉ để bảo vệ danh dự một đời cho người ấy, liệu còn tình yêu nào cao đẹp hơn thế! Đó là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng bi thương mà tôi đã đọc được từ cuốn sách “Bến xe” của Thương Thái Vi.
Với giọng văn nhẹ nhàng và sâu lắng, “Bến xe” kể về câu chuyện tình yêu thuần khiết và trong sáng của cặp thầy trò Liễu Địch – Chương Ngọc.
Liễu Địch là cô học trò trung học tài năng và xinh đẹp, được bạn bè cùng trang lứa gắn cho cái mác thiên tài bởi khiếu thơ văn từ bé của mình. Trong khi đó, Chương Ngọc – người thầy mang trong mình sự khiếm khuyết về thị giác nhưng lại có tài năng thiên bẩm về thơ ca và hội họa, cũng chính là thầy giáo dạy ngữ văn của Liễu Địch.
Chẳng ai biết tự bao giờ mà thứ tình cảm thanh thuần được nuôi dưỡng từ lòng ngưỡng mộ người thầy tuấn tú xuất chúng của cô học trò nhỏ Liễu Địch biến thành tình yêu. Có thể chính cô cũng không biết nhưng tôi chắc chắn dù nó bắt đầu từ đâu, từ khi nào, nó chính là thứ tình cảm thuần túy và đẹp đẽ nhất, khi hai người cùng bù trừ, lặng lẽ bên cạnh giúp đỡ đối phương, để từ một trái tim vốn lạnh lùng, luôn tự cô lập bản thân như thầy Chương rốt cuộc cũng để cho sự trong sáng của mặt trời nhỏ Liễu Địch sưởi ấm.
Từ một người đang đứng trong ánh hào quang, dẫn đầu trong một ngôi trường danh tiếng, hội tụ đủ tài hoa bỗng nhiên mất tất cả mọi thứ, phải sống suốt đời trong bóng tối, mấy ai có thể chịu được cú sốc như vậy nhưng Chương Ngọc lại có thể, hay như Liễu Địch nói:” Thầy ấy thà làm một người thất bại oanh liệt, cũng không muốn làm kẻ hèn nhát nằm phủ phục dưới chân vận mệnh tỏ vẻ đáng thương. Thầy ấy là một dũng sỹ, là một người anh hùng, dù theo kiểu bi kịch đi chăng nữa.”
Tôi thật sự thấm thía những điều ấy, cái tôn nghiêm của thầy Chương không cho phép nhận lấy cái nhìn thương hại của kẻ khác, con người ấy từng bước đứng lên từ trong bóng tối, thầy ấy vẫn đấu tranh dù biết không thể thắng đêm tối, chịu gièm pha về một người khiếm thị để cuối cùng đứng trên bục giảng truyền đạt những tinh hoa trong văn học mà mình đã cảm nhận. Người thầy ấy, kiên cường hơn bất cứ ai nhưng cũng cô độc hơn bất cứ ai trên đời!
Kết chuyện Liễu Địch có câu thế này:” Cảm ơn ông trời đã cho con một tình yêu lâu bền nhất, cao thượng nhất, sâu sắc nhất trên cõi đời này. Bao nhiêu người sống trên cõi đời này có được tình yêu như vậy?” Có lẽ không phải tôi cũng không phải bạn, nhưng chúng ta biết rằng đâu đó trên thế giới này vẫn người như vậy, chấp nhận hy sinh vì cuộc đời người kia. Chương Ngọc ra đi nhưng nơi bến xe vẫn luôn có Liễu Địch chờ đó, dù kiếp này, kiếp sau, mãi mãi…
Tác phẩm gây được tiếng vang lớn trong lòng độc giả, kể cả những ai từng có định kiến không tốt về truyện ngôn tình – thứ truyện “mị dân” vào đầu người những thứ tình yêu bay bổng, phù phiếm và không có thật. Kết thúc tác phẩm là nốt nhạc trầm buồn gây sự tiếc nuối lớn trong lòng độc giả nhưng nếu cảm nhận được sâu xa hơn, đó là bài học đáng suy ngẫm về tình yêu và cuộc đời.
Hai tâm hồn, hai tính cách đã tìm thấy nhau ở những thanh âm đồng điệu. Hình ảnh “Bến xe” xuyên suốt tác phẩm là ẩn dụ về điểm dừng trong cuộc đời mỗi người, ở đó họ nhìn lại những điều đã qua, nuối tiếc có, đau khổ có nhưng hơn tất cả là sự lạc quan và tích cực hướng về tương lai tốt đẹp phía trước.
Đánh giá
There are no reviews yet