Ai Được Gì Và Tại Sao
Tác giả:Alvin E.Roth
Cuốn sách “Ai được gì và tại sao” của GS Alvin Roth mới được phát hành 2 tuần trước, nhưng có vẻ như ngay lập tức được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Là một cuốn sách về lý thuyết đoạt giải Nobel Kinh tế, dường như có vẻ “cao siêu” nhưng sách lọt vào bảng xếp hạng sách bán chạy trong tuần của nhiều nhà sách, kể cả Vinabook và Tiki.
Điều này không quá khó hiểu, bởi trong cuốn sách này GS Alvin Roth không chỉ nói về lý thuyết “ghép đôi”, mà nói rất nhiều về kinh nghiệm thực hành lý thuyết này. Quan trọng hơn, cả lý thuyết và thực hành được viết trong sách đều rất gần gũi với cuộc sống hiện đại: smartphone, internet, và các ứng dụng phục vụ nhu cầu hàng ngày của mỗi cá nhân. Chưa hết, nội dung của cuốn sách cực kỳ phù hợp với các ý tưởng start-up thời thượng: công nghiệp 4.0, big data, và nền kinh tế chia sẻ.
Kiến thức, thực hành, và các hiểu biết sâu sắc về “ghép đôi” của tác giả cuốn sách cũng rất phù hợp với các vấn nạn mà nền kinh tế và xã hội Việt Nam đang vướng phải: giao thông, y tế, giáo dục.
Cách nay vài năm, GS Ngô Bảo Châu, GS Đỗ Quốc Anh, GS Vũ Hà Văn, TS Lê Hồng Giang cũng đã sử dụng lý thuyết “ghép đôi” của Alvin Roth để xây dựng đề án cải cách thi đại học và trình lên Bộ Giáo Dục.
Khi bạn đi xin việc, hay tìm người yêu, bạn không chỉ chọn việc hay chọn người tình, mà còn có chiều ngược lại, công ty chọn bạn và người kia cũng phải chọn bạn. Đó chính là sự ghép đôi.
Tức là trong thị trường (marketplace) bình thường người mua cần gì thì chỉ cần trả đúng giá là sẽ nhận được món đồ từ người bán. Nhưng trong thị trường ghép-đôi, mà hẹn hò, hôn nhân, mai mối là ví dụ điển hình, thì bạn cần chọn và phải được chọn nữa.
Trong cuốn sách này các bạn sẽ thấy Alvin Roth nói khá nhiều về hôn nhân. Từ hôn nhân do bố mẹ sắp đặt đến hôn nhân đồng giới. Có những cuộc sắp đặt, do thúc ép của nhu cầu “giao dịch sớm” mà có tảo hôn. Có những thúc ép khác từ quyền con người, mà gần đây pháp luật đã công nhận hôn nhân (ghép đôi) đồng giới. Và Alvin Roth còn cho rằng, nếu có những thúc ép khác, có thể pháp luật sẽ bỏ giới hạn một vợ một chồng để công nhận hôn nhân đa phu, đa thê.
Về sức ép của giao dịch sớm, dẫn đến tảo hôn, hay ngân hàng, hãng luật tuyển sinh viên giỏi từ lúc họ chưa tốt nghiệp, cũng là các khiếm khuyết mà các “kỹ sư kinh tế” có thể khắc phục được. Ở Việt nam có nạn chạy trường cho con, hoặc mở bán lịch tết rất sớm (từ tháng 10), hay trường đại học gửi giấy nhập học cho các bạn vừa thi tốt nghiệp … Có rất nhiều thị trường cần các kỹ sư kinh tế tham gia thiết kế lại như vậy, để nó chạy tốt hơn.
Những ứng dụng (apps) trong lĩnh vực việc làm, hay mai mối, …nếu thành công, đều là do hiểu được lý thuyết “ghép đôi” của GS Alvin Roth.
Sách “dạy” cho chúng ta hiểu cơ chế vận hành của gần như tất cả các hoạt động kinh doanh trong thế giới hiện đại. Đó là cơ chế “ghép đôi – matching”. Và hơn thế, cuốn sách này còn chỉ cho chúng ta cách “thiết kế” để cơ chế ấy có thể vận hành tốt.
Nếu bạn có một món đồ cũ, không còn dùng đến nữa, và bạn muốn “ghép đôi” nó với một ai đó cần món đồ này, để bạn có thể bán nó đi. Có cơ chế ghép đôi như vậy. Đó là ebay.
Nếu bạn đang tham gia giao thông mà xe của có một chỗ ngồi “thừa”, bạn muốn “ghép đôi” chỗ ngồi ấy với một ai đó muốn di chuyển. Có cơ chế ghép đôi như vậy: đó là Uber, Grab.
Thậm chí, nếu nhà bạn có thừa một chỗ để ngủ, bạn có thể “ghép đôi” chỗ ngủ ấy với người cần: đó là cơ chế ghép đôi của AirBnB.
Sách đề cập đến nhiều tình huống khác, phức tạp hơn. Ví dụ cần phải “ghép đôi” các đối tượng: trường mẫu giáo, trẻ em, và mong muốn chọn trường của phụ huynh. Hay phải “ghép đôi” các nhóm đối tượng: học sinh tốt nghiệp phổ thông, mong muốn chọn trường đại học, khả năng kinh tế của bố mẹ, và các trường đại học (với các tiêu chuẩn đầu vào và học phí khác nhau).
Có cả một trường hợp cực kỳ phức tạp. Phải “Ghép đôi” các “cặp đôi”. Các cặp đôi này là hai người: một người hiến thận và một bệnh nhân cần thay thận”. Những bệnh nhân suy thận, cần thận để thay, họ cần được ai đó hiến thận. Thế nhưng không phải quả thận được hiến nào cũng phù hợp với cơ thể của người nhận. Vậy là phải ghép, và hoán đổi rất nhiều cặp đôi “hiến + nhận” khác nhau, để “ghép” được nhiều nhất số “cặp đôi phù hợp” cùng với các phòng mổ và kíp bác sĩ mổ.
(Trong cuốn sách này, GS Alvin Roth cũng nói đến cách thức kết hợp Mỹ và Việt Nam, và nếu kết hợp được, sẽ có nhiều bệnh nhân Mỹ được thay thận, và nhiều bệnh nhân Việt được chữa bệnh ở Mỹ miễn phí).
GS Alvin Roth luôn cho rằng thị trường không phải là sản phẩm tự nhiên, mà là sản phẩm do con người tạo ra. Và với kiến thức hiện đại, con người nên thiết kế thị trường ngay từ ban đầu, rồi vận hành nó và điều chỉnh để nó ngày một hoàn hảo. Cách làm này sẽ tốt hơn cách kiểm soát thị trường bằng pháp luật hay mệnh lệnh hành chính.
Làm thế nào để thiết kế thị trường, các “kỹ sư kinh tế” cần có cách tư duy và kỹ năng xây dựng thị trường ra sao, tất cả đều được Roth trình bày gọn gàng và xúc tích trong cuốn sách này.
Giáo sư Alvin Roth, tác giả công trình này, viết lời thiệu cho bạn đọc Việt Nam, về lý thuyết của mình ngắn gọn như sau:
“Thị trường ghép đôi là thị trường mà trong đó bạn không thể chỉ lựa chọn thứ bạn muốn, mà bạn còn phải được chọn nữa. Giá cả mình nó không làm tất cả mọi việc trong thị trường ghép đôi, và thỉnh thoảng chúng ta không để giá cả đóng bất cứ vai trò nào. Việc ghép đôi ở dạng này hay dạng khác sẽ quyết định ai sẽ tới trường trung học hay trường đại học nào, ai sẽ nhận được việc làm nào, và ai sẽ cưới ai, và đôi khi là ai sẽ được nhận một loại chăm sóc y tế cụ thể nào đó, như việc cấy ghép tạng chẳng hạn.”
Đánh giá
There are no reviews yet